Khi TP.HCM bùng dịch, quán ăn Cà Mèn hàng ngày nấu 700 suất cơm yêu thương dành tặng y, bác sĩ và người nghèo khó ở các khu phong tỏa.
Mỗi sáng tinh mơ, từ 4h, 6 thành viên trong đội bếp của Cà Mèn bắt đầu chuẩn bị, chế biến nguyên liệu cho suất cơm yêu thương gửi tới các bệnh viện và khu cách ly.
Đến khoảng 8h, những hạt cơm Quảng Trị thơm dẻo, cùng các món thịt, cá, rau xào tươi ngon được xếp gọn trong khay, đóng hộp cẩn thận, chờ chuyến xe vận chuyển đem đến nơi cần.
Đều đặn, suốt gần 2 tháng qua, bếp ăn Cà Mèn đỏ lửa nấu 700 phần cơm yêu thương mỗi ngày. Từng phần ăn đều nhận được sự chăm chút, tỉ mỉ với những nguyên liệu ngon và sạch, được đóng góp từ khắp TP.HCM cùng nhiều vùng miền trên đất nước.
“Nấu cơm yêu thương, chúng mình chú trọng từng suất trao đi. Mình ở nhà không sao, nhưng các y, bác sĩ làm việc vất vả thì phải ăn ngon để có sức”, Nhật Thuận (sinh năm 1990), chủ quán Cà Mèn, chia sẻ với Zing.
Mang Quảng Trị vào phố
“Thông báo: quán tạm nghỉ bán từ ngày 9/7/2021, chỉ nấu cơm phục vụ thiện nguyện”.
Đây là dòng chữ dán trước quán ăn Cà Mèn từ những ngày TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16. Trước khi tạm ngừng hẳn kinh doanh, quán cũng đã bắt đầu nấu cơm tặng bệnh viện và người có hoàn cảnh khó khăn.
Cà Mèn được thành lập bởi Nhật Thuận, người con đất Quảng Trị đã gắn bó với TP.HCM suốt hơn 10 năm.
“Thuở nhỏ ở quê, tôi hay xách cà mèn bới cơm ra đồng cho ba mẹ. Sau này, Cà Mèn trở thành nơi tôi ‘mang Quảng Trị vào phố’. Đây cũng chính là khẩu hiệu tôi đặt cho quán”, Thuận chia sẻ.
Hai tháng nay, TP.HCM đổ bệnh, việc kinh doanh của Cà Mèn bị tạm ngừng. Bếp chuyển sang nấu cơm yêu thương tặng những nơi cần giúp đỡ. Không kêu gọi ủng hộ, Cà Mèn có gì nấu đó, mong góp sức chống dịch.
Ban đầu, bếp chủ yếu trao cơm cho bà con gặp khó khăn trong các khu phong toả. Thời gian sau, khi biết các y, bác sĩ trong bệnh viện dã chiến thiếu thốn nhiều về mặt ăn uống, Thuận cùng đội Cà Mèn tập trung nấu cơm tặng bệnh viện và gửi thêm suất quà cho người dân.
“Thấy bà con khó khăn, các y, bác sĩ vất vả nên tôi muốn phụ một tay, chứ không có gì to tát. So với những gian khổ đó, đóng góp của chúng tôi nhỏ nhoi lắm”, Thuận nói với Zing.
Bếp yêu thương Cà Mèn sử dụng nguyên liệu từ nguồn cung cấp thịt, cá tươi hàng ngày của quán. Rau xanh thường được gửi lên từ Đà Lạt, miền Tây.
Vì những hạn chế hiện tại ở TP.HCM, bếp gặp không ít khó khăn trong việc mua đồ và tiếp cận nguyên liệu. Hơn nữa, vì không kêu gọi ủng hộ dù đã ngừng kinh doanh hơn một tháng, bếp đôi khi bị thiếu hụt tiền mặt.
Tuy vậy, qua thời gian, Cà Mèn đã sắp xếp ổn thỏa những vấn đề trên. Các quỹ thiện nguyện biết đến hành động ý nghĩa của bếp và hỗ trợ nguyên liệu như gạo, rau hoặc gửi tiền mua thịt, cá.
Nhờ sự động viên và đóng góp ấy, Cà Mèn có thêm động lực và tài nguyên để duy trì hoạt động tới ngày nay.
Những suất cơm yêu thương được chế biến tại bếp Cà Mèn
Không nhận là từ thiện
Trên hành trình trao đi những suất cơm yêu thương, bếp Cà Mèn đã gặp những hoàn cảnh thương tâm, xót xa, khiến cả đội dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn nữa dù có vất vả.
Thuận bùi ngùi nhớ lại lần đi trao cơm tận nhà người dân trước khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16: “Chúng tôi đến một vùng khá sâu xa thuộc huyện Hóc Môn. Có một bà cụ, có lẽ gần 70 tuổi, nhận phần cơm của bếp. Tự nhiên bà khóc to, nói rằng cả tuần rồi không được ăn bữa cơm, làm cả đội cũng khóc theo”.
Mỗi ngày, bếp yêu thương của Cà Mèn gửi tặng hơn 700 suất ăn đến các y, bác sĩ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến
Thuận cũng rất cảm động trước sự hy sinh của các bác sĩ nơi bệnh viện dã chiến và mong có thể đóng góp một phần giúp lực lượng y tế tăng cường sức khỏe và tinh thần.
“Có lần Cà Mèn gửi cơm cho bệnh viện, nói với các y, bác sĩ là tặng thêm ít bánh ngọt, lỡ chiều đói bác lấy ra ăn. Các bác cám ơn nhưng xin từ chối vì không có thời gian. Sự việc ấy khiến tôi càng thêm trân quý và biết ơn các y, bác sĩ. Để chống dịch, họ không có thời gian ăn, uống, ngủ nghỉ”, Thuận nói.